BẢN TIN CHUYỂN ĐỘNG CHÍNH SÁCH THÁNG 3 NĂM 2025 (17/03 - 21/03)
Nội dung chính: cơ chế phát triển nhà ở xã hội, bổ sung thông tin trên tem điện tử, các quy định mới về dịch vụ tiếp thị, công nghệ mới, mức phạt,...của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (phiên bản 10/03)
Đề xuất các cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, cụ thể như sau:
1. Giảm thủ tục, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính
Nghị quyết đề xuất nhiều giải pháp để giảm số lượng TTHC và thời gian thực hiện các thủ tục này, cụ thể:
Không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ đầu tư đối với dự án NOXH
Không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Văn bản giao chủ đầu tư thay thế văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và là căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Lồng ghép các thủ tục: thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng… vào thủ tục cấp phép xây dựng
2. Thành lập Quỹ phát triển Nhà ở xã hội Quốc gia. Quỹ hỗ trợ lãi suất cho vay không yêu cầu thế chấp và các hỗ trợ khác với doanh nghiệp đầu tư và người mua nhà.
3. Tăng lợi nhuận định mức tối đa cho chủ đầu tư NOXH lên 13%
4. Chính sách với NOXH cho người lao động: doanh nghiệp trong khu công nghiệp có quyền thuê NOXH cho người lao động của doanh nghiệp mình
Các cơ chế đặc thù này dự kiến hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản rút ngắn thủ tục hành chính khi phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo khả năng sinh lời của dự án, từ đó thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Bổ sung thêm thông tin với tem điện tử
Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định về tem điện tử rượu, thuốc lá yêu cầu doanh nghiệp bổ sung các thông tin sau trong tem điện tử:
Với sản phẩm nhập khẩu: (1) Quy cách đóng gói; (2) Số tờ khai hải quan/ số quyết định; (3) Ngày đăng ký tờ khai; (4) Chi cục Hải quan bán tem;
Với sản phẩm sản xuất trong nước: (1) Tên hàng hóa; (2) Thời gian sản xuất; (3) Đơn vị đo lường; (4) Giá bán
Quy định này nhằm hỗ trợ thống kê số tiền nộp thuế chính xác hơn và minh bạch thông tin với người sử dụng. Doanh nghiệp cần đánh giá thêm về khả năng tăng thời gian, chi phí thực hiện các quy định này.
Ngoài ra, Dự thảo còn bãi bỏ nghĩa vụ lập kế hoạch đăng ký sử dụng tem điện tử. Thay vào đó, việc dự trù số lượng chỉ cần thực hiện theo thủ tục đăng ký số lượng tem dự kiến của doanh nghiệp
Dự thảo đang lấy ý kiến đến ngày 02/04.
Giới hạn chia sẻ dữ liệu cá nhân trong dịch vụ tiếp thị, quảng cáo
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (phiên bản ngày 10/03) tiếp cận theo hướng hạn chế chia sẻ dữ liệu cá nhân trong dịch vụ tiếp thị, quảng cáo như sau:
Đối với kinh doanh dịch vụ tiếp thị: chỉ được sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được thu thập qua hoạt động kinh doanh của mình.
Đối với kinh doanh dịch vụ tiếp thị và dịch vụ quảng cáo theo hành vi: không được thuê hoặc thoả thuận với một tổ chức khác thay mặt thực hiện kinh doanh dựa trên dữ liệu cá nhân của khách hàng mình.
Quy định này dự kiến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành kinh doanh dịch vụ tiếp thị do mô hình tiếp thị và quảng cáo phần lớn sử dụng dữ liệu đầu vào là nguồn do bên khách hàng chia sẻ để thực hiện tiếp thị cho khách hàng. Đồng thời, quy định này cũng hạn chế nhà thầu phụ là bên thứ ba tham gia kinh doanh thay mặt trong lĩnh vực dịch vụ tiếp thị và quảng cáo. Quy định này dự kiến tác động rất lớn đến các hoạt động của ngành tiếp thị, quảng cáo, các nền tảng mạng xã hội. Các doanh nghiệp cần tiếp tục đánh giá, phân tích tác động này đến hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các công nghệ mới chặt chẽ hơn
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân mới nhất đã đặt ra nhiều nghĩa vụ về hợp đồng, bảo mật, giám sát và giải trình đối với các công nghệ mới, cụ thể:
Điện toán đám mây: Hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây phải có điều khoản tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu cá nhân Việt Nam, nhằm ràng buộc pháp lý với pháp nhân nước ngoài.
Dữ liệu lớn: So với Dự thảo tháng 9, các tổ chức xử lý dữ liệu lớn không còn có quyền khai thác dữ liệu dữ liệu cá nhân trên các nền tảng công khai mà không có bất kỳ sự hạn chế nào. Thay vào đó, các tổ chức này phải áp dụng phương thức mã hoá, ẩn danh, giả danh dữ liệu, sử dụng các công cụ giám sát truy cập dữ liệu và có cơ chế ràng buộc đối tác tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối và vũ trụ ảo: Các tổ chức ứng dụng các công nghệ này phải triển khai các hệ thống đảm bảo độ tin cậy của thuật toán và có cơ chế tiếp nhận phản ánh, giải trình các quyết định của hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Các cơ chế quản lý này nhằm bảo vệ quyền chủ thể dữ liệu và người dùng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đánh giá tính khả thi, sự phù hợp với mô hình kinh doanh hiện tại, cũng như chi phí để tuân thủ quy định này.
Tiền lương là dữ liệu nhạy cảm
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân bổ sung tiền lương, phụ cấp và các nguồn thu nhập khác vào danh mục dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Các doanh nghiệp kiểm soát các dữ liệu này sẽ phải đầu tư thực hiện các biện pháp hành chính và kỹ thuật nghiêm ngặt hơn, bao gồm:
Thông báo cho chủ thể biết về việc xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm của mình
Mã hoá dữ liệu khi lưu trữ, truyền, nhận, chia sẻ trên không gian mạng
Thuê đơn vị đánh giá xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân trên thang: Tín nhiệm cao, Tín nhiệm và Không tín nhiệm.
Thông tin về lương thưởng, vốn là dữ liệu phổ biến của mọi doanh nghiệp, nay được xếp vào nhóm dữ liệu cá nhân nhạy cảm, dự kiến sẽ tác động đến khối lượng công việc cần vận hành, yêu cầu doanh nghiệp phải rà soát lại toàn bộ quy trình quản lý dữ liệu nhân sự nội bộ.
Mức phạt hành chính cao với các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước. Khung hình phạt mới này là cao và có thể ảnh hưởng đến khả năng tài chính của doanh nghiệp nếu không tuân thủ tốt các quy định. Do vậy, doanh nghiệp cần quan tâm sâu vào các quy định tại Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo các quy định rõ ràng, dễ hiểu và có khả năng thực thi.
Dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2025.