CHUYỂN ĐỘNG CHÍNH SÁCH (THÁNG 2/2025)
Nội dung chính: thay đổi quy trình lập pháp, gia hạn thuế, Trung tâm tài chính quốc tế, yêu cầu mới với thương mại điện tử, dán nhãn năng lượng, quy định mới về an toàn thực phẩm.
Đổi mới quy trình soạn thảo luật
Ngày 19/2 vừa qua, Quốc hội ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi). Luật đổi mới căn bản về quy trình lập pháp, từ đó cho phép tăng tốc độ ban hành luật.
Luật sẽ thảo luận và thông qua trong 1 kỳ họp, thay vì 2 kỳ họp như trước.
Đơn giản hóa thủ tục đưa luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trước đây, Dự thảo Luật muốn đưa vào Chương trình xây dựng luật cần phải được thông qua đề nghị chính sách (Bước 1), chờ đến kỳ họp Quốc hội gần nhất để bổ sung vào Chương trình. Quy định mới không yêu cầu phải thực hiện tuần tự theo trình tự, mà có thể thực hiện song song hai bước này.
Thẩm quyền thông qua Chương trình lập pháp chuyển sang Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dự thảo luật có thể bổ sung với tần suất thường xuyên hơn ở nhiều thời điểm trong năm.
Soạn thảo theo thủ tục rút gọn tiếp tục được rút ngắn. Quy định mới cho phép thực hiện theo quy trình 1 bước (bỏ qua quy trình xây dựng chính sách).
Việc thực hiện theo trình tự rút gọn có thể trước hoặc trong quá trình soạn thảo.
Với các quy định mới này, thời gian soạn thảo, ban hành luật dự kiến có thể rút từ 22 tháng xuống 10 tháng. Thời gian soạn thảo văn bản theo thủ tục rút từ 7-10 tháng xuống 1-2 tháng.
Thời gian tham vấn ngắn lại: thời gian đăng tải công khai xin ý kiến Dự thảo Luật rút ngắn, từ 60 ngày (hiện hành) xuống 20 ngày
Như vậy, thời gian và cơ hội cho doanh nghiệp, hiệp hội đóng góp ý kiến với Dự thảo sẽ ngắn hơn. Doanh nghiệp, hiệp hội cần thực hiện các biện pháp tiếp cận chủ động và nhanh chóng để đảm bảo hoạt động vận động chính sách hiệu quả.
Thay đổi trong phong cách soạn thảo luật
Thẩm quyền lập pháp của Quốc hội có sự thay đổi đáng kể theo Luật sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, luật chỉ quy định các vấn đề sau:
Các vấn đề mang tính ổn định, lâu dài; các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân; tố tụng tư pháp.
Quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng, và sẽ phân quyền quy định chi tiết với các nội dung quản lý nhà nước, các vấn đề mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm.
Đồng thời, Luật Ban hành VBQPPL cũng bỏ quy định yêu cầu việc giao quy định chi tiết ở văn bản dưới luật phải được xác định ngay tại điều, khoản, điểm của nội dung đó.
Điều này hàm ý các luật trong giai đoạn tới sẽ có nội dung tương đối ngắn và chung. Các nội dung chi tiết sẽ nằm ở cấp nghị định, thông tư.
Gia hạn tiền thuế cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang đề nghị gia hạn thời gian nộp tiền thuế trong năm 2025 cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Thuế giá trị gia tăng (GTGT): gia hạn 6 tháng với thuế GTGT tháng 2, tháng 3 và quý I; gia hạn 05 tháng với thuế GTGT tháng 4,5,6, và quý II;
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): gia hạn 05 tháng với thuế TNDN tạm nộp quý I, II;
Thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với hộ, cá nhân kinh doanh: gia hạn chậm nhất đến 31/12/2025;
Tiền thuê đất: gia hạn kỳ đóng tiền thuế đất thứ nhất từ 31/05/2025 thành 31/11/2025.
Các doanh nghiệp thụ hưởng chính sách là các doanh nghiệp sản xuất (nông lâm thủy sản, công nghiệp, xây dựng…), các doanh nghiệp dịch vụ (vận tải kho bãi, bất động sản, y tế, giáo dục, giải trí, lưu trú du lịch…)
Quy định này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp duy trì dòng tiền ngắn hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khung pháp lý cho Trung tâm tài chính quốc tế dần hình thành
Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã có Thông báo 47-TB/TW đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Chính phủ đang tích cực xây dựng Nghị quyết về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Dự kiến sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2025.
Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng hai khu vực địa lý (được xác định rõ ràng về vị trí) thành Trung tâm tài chính, một ở TP. Hồ Chí Minh và một ở Đà Nẵng.
Về đối tượng, Dự thảo cho phép cả tổ chức tài chính và các công ty holding tham gia vào Trung tâm tài chính.
Dự thảo đưa ra các chính sách ưu đãi lớn để thu hút các nhà đầu tư tài chính như sau:
Chính sách quản lý ngoại hối linh hoạt: (1) sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi khi giao dịch trong khu và với khu thương mại tự do; (2) tự do chuyển đổi ngoại tệ; (3) tự do rút vốn sau 05 năm hoạt động;
Cho phép thực hiện chính sách sandbox với mô hình fintech. Doanh nghiệp fintech được hưởng chính sách ưu đãi như tổ chức hoạt động tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia;
Cho phép giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong Trung tâm tài chính;
Chính sách ưu đãi thuế lớn (gồm cả thuế TNDN, thuế từ chuyển nhượng bất động sản, thuế TNCN). Chính sách xuất nhập cảnh, đi lại, tạm trú, giấy phép lao động thuận lợi;
Thủ tục hành chính, các giấy phép được đơn giản hóa, bao gồm các thủ tục liên quan đến đầu tư và thủ tục trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, tái bảo hiểm;
Hình thành thị trường giao dịch tài sản văn hoá, nghệ thuật theo mô hình phi thuế quan (miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhập khẩu; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá tạm nhập, tái xuất;…)
Định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử
Đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử (TMĐT) đang đề xuất định danh người bán trong nước và nước ngoài. Việc định danh người bán trong nước thực hiện thông qua liên kết với ứng dụng VneID hoặc căn cước công dân có gắn chip. Tuy nhiên, hiện chưa rõ việc định danh người bán nước ngoài sẽ thực hiện như thế nào? Đồng thời, các vấn đề liên quan đến cách thức liên kết hệ thống dữ liệu để xác thực thông tin cũng chưa rõ ràng. Các sàn TMĐT cần lưu ý theo dõi quá trình soạn thảo chi tiết trong thời gian tới.
Yêu cầu mới với người thực hiện livestream
Đề nghị xây dựng Luật TMĐT đề xuất người thực hiện livestream tư vấn, bán các mặt hàng, dịch vụ có điều kiện (như rượu, mỹ phẩm, dược phẩm…) cần đảm bảo các yêu cầu về kinh nghiệm chuyên môn. Hiện chưa rõ các yêu cầu này là gì, và sẽ được quy định ở đâu. Quy định này dự kiến tác động lớn với cả các livestreamer và các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này. Doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi và có ý kiến trong quá trình soạn thảo chi tiết.
Luật dự kiến thông qua trong năm 2025.
Dán nhãn năng lượng với vật liệu xây dựng
Dự thảo Luật sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đề xuất dán nhãn năng lượng với vật liệu xây dựng. Đây là mặt hàng mới so với quy định hiện nay, vốn chỉ áp dụng cho thiết bị điện dân dụng, công nghiệp. Theo đó, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng phải thực hiện thử nghiệm đo lường hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng cho sản phẩm này.
Luật dự kiến thảo luận và thông qua tại Kỳ họp Quốc hội tháng 05/2025.
Trách nhiệm mới với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP bổ sung một số trách nhiệm mới với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như sau:
Bổ sung mục thuyết minh thành phần tại bản công bố, tự công bố
Bổ sung thêm 12 trường hợp thay đổi mà doanh nghiệp phải làm lại thủ tục công bố
Bổ sung yêu cầu phải lưu trữ Hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF), trong đó có Phiếu kiểm nghiệm gồm các chỉ tiêu theo hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm cùng Phương pháp kiểm nghiệm.
Các quy định này dự kiến có thể tăng khối lượng công việc và tần suất thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy định để xác định tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Dự thảo soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến ban hành trong Quý I/2025.